Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên tại Cù Lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Tuổi thơ và cuộc đời của Bác Tôn đã gắn liền với nơi này, chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm từ những ngày đầu lịch sử hình thành cho đến khi phát triển của thành phố Long Xuyên như ngày hôm nay.
Từ đơn vị hành chính là hạt Long Xuyên thời pháp thuộc, rồi thị xã Long Xuyên, đến ngày 1/3/1999 được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thành phố Long Xuyên, luôn tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.
Từ nhỏ, Bác Tôn đã được gia đình cho đi học bậc sơ học tại trường Tiểu học Pháp – Việt (nay là trường Tiểu học Nguyễn Du, thành phố Long Xuyên), theo học chữ Nho và chữ Quốc ngữ cùng thầy Nguyễn Thượng Khách ở rạch Cái Sơn. Trong suốt từng ấy năm, biết bao chuyến đò của bến Ô Môi lịch sử đã bao lần đưa đón Bác Tôn qua lại giữa đôi bờ Long Xuyên và quê nhà Cù lao Ông Hổ.
Với chí hướng lớn, lòng yêu quê hương và quyết tâm tìm ra con đường giải phóng đất nước, độc lập cho quê hương mình, đến năm 1906, Bác Tôn quyết định nói lời từ biệt Long Xuyên, lên Sài Gòn học nghề làm thợ, lúc này Bác vừa tròn 18 tuổi. Sự nghiệp hoạt động cách mạng vẽ vang va không ngừng mệt mỏi của Bác Tôn bắt đầu từ lúc đó.
Trong suốt hơn 70 năm rời xa quê hương hoạt động cách mạng, Bác Tôn chỉ trở về thăm quê nhà chỉ vỏn vẹn hai lần, một lần vào năm 1945 sau khi Bác từ Côn Đảo trở về sau 15 năm bị thực dân Pháp tù đày, lần thứ hai Bác trở về sau khi đất nước đã hoản toàn giải phóng vào năm 1975. Cả hai lần Bác về thăm nhà đều chỉ trong thời gian ngắn rồi Bác lại đi vì việc nước, việc dân. Bác xa quê hương khi còn rất trẻ, nên đối với Bác, Bác luôn trân trọng, quý giá những lần được về thăm quê hương, những giây phút ngắn ngủi được ở bên người thân, bà con, xóm giềng sau bao năm xa cách.
Nhớ lại những năm thàng bị tù đày tại Côn Đảo, có lần Bác viết thư gửi về cho vợ, do lo sợ bản thân mình không còn có cơ hội trở về, Bác khuyên vợ nên đi lấy chồng để không phải chờ đợi mình. Nhưng Bác Tôn gái đã viết thư lại cho Bác, trong thư có viết “….Nghe theo lời anh, em đã đi lấy chồng, chồng em là Tôn Đức Thắng, quê ở Long Xuyên….”. Vùng đất Long Xuyên ngày xưa đã nuôi nấng, giáo dục và hình thành nên chất người Tôn Đức Thắng, trong lòng của vợ mình cũng như của bao người, Bác mãi là người con của mảnh đất Long Xuyên.
Ngày nay, du khách gần xa khi đến An Giang, đến với Long Xuyên sẽ không khó để nhận ra được tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng ngay giữa trung tâm thành phố Long Xuyên, đó là tấm lòng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nói chung, thành phố Long Xuyên nói riêng bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đến công lao to lớn của Bác, như Bác vẫn luôn ở đây, trên mảnh đất quê hương và sỗng mãi trong lòng của mỗi người.
Tượng đài Bác bao năm vẫn đứng sừng sững giữa lòng thành phố, mặt hướng về dòng sông Hậu hiền hòa, như luôn hướng về quê nhà Cù lao Ông Hổ, như đang quan sát và theo dõi sự phát triển từng ngày của quê hương. Nơi đặt tượng Bác cũng là nơi thường được tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thành phố, của tỉnh, lễ báo công với Bác.
Trải qua chặng đường dài 25 năm xây dựng và phát triển, từ một thị xã nhỏ bé, lạc hậu, thành phố Long Xuyên giờ đây đã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang, ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành một trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa – khoa học kỹ thuật của tỉnh với quy mô xếp thứ hai Khu vưc đồng bằng Sông Cửu Long (chỉ sau thành phố Cần Thơ).
Kỷ niệm 25 năm thành lập thành phố Long Xuyên (1/3/1999 – 1/3/2024), tự hào tiếp bước, học tập theo tấm gương sáng của Bác Tôn, với niềm tin và khát vọng vươn lên, toàn thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung, tiếp tục đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vượt mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống anh hùng, ra sức thi đua, đưa thành phố Long Xuyên ngày càng phát triển giàu đẹp hơn nữa, mãi xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu./.