Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc và quê hương An Giang, suốt hơn 60 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Với chí hướng lớn, lòng yêu quê hương và quyết tâm tìm ra con đường giải phóng đất nước, độc lập cho quê hương mình, năm 1906, Bác Tôn quyết định nói lời từ biệt Long Xuyên, lên Sài Gòn học nghề làm thợ, lúc này Bác vừa tròn 18 tuổi. Sự nghiệp hoạt động cách mạng vẽ vang bắt đầu từ lúc đó, để khi đi hết cuộc đời của mình, Bác chỉ được về thăm nhà 2 lần ngắn ngủi.
Lần thứ Nhất, Bác Tôn về thăm quê Mỹ Hòa Hưng là vào năm 1945, sau hơn 15 năm bị thực dân Pháp tù đày khổ sai tại Côn Đảo. Cách mạng tháng 8 thành công, Chính phủ đưa đoàn tàu ra Côn Đảo đón Bác trở về đất liền và tiếp tục hoạt động cách mạng. Điều đầu tiên Bác làm khi đó là về thăm quê vợ ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Sau đó, Bác được Đảng phân công về nhận nhiệm vụ tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, và Bác có dịp về thăm quê hương Mỹ Hòa Hưng lần đầu tiên sao bao năm xa cách. Trong lần về này, Bác ngủ lại nhà một đêm, sáng sớm hôm sau, Bác lại vội vã chuẩn bị lên đường ra Hà Nội để cùng Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta.
Bác nói. “Tôi đi biệt sang các nước Châu Âu, rồi bị tù lâu năm, nay trở về quê ta gặp bà con, gia đình là mừng là sung sướng lắm rồi, Tôi phải đi ngay cùng các anh em phái đoàn ra Bắc làm việc với Cụ Hồ. Việc nước đang gấp.” nói thế rồi sáng hôm sau Bác quỳ bên chân mẹ già nói lời từ biệt từ giã xóm làng rồi Bác lại ra đi.
Từ sau lần về thăm quê đó, phải đến 30 năm sau, khi đã trở thành nguyên thủ quốc gia, Bác mới trở lại thăm quê nhà lần thứ 2, đó là vào tháng 10 năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam xum họp một nhà. Lần trở lại này, Bác chỉ về thăm nhà trong 45 phút ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để lại một ấn tượng sâu sắc về phong cách bình dị, gần gũi của mình.
Về thăm quê nhà trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ nhận mình là một người được Đảng và Nhà nước “cho phép” về thăm quê nhà, gặp lại anh em họ hàng, thăm hỏi bà con chòm xóm. Theo lời kể của người dân nơi đây: “Bác rơi nước mắt vì không ra viếng mộ thân tộc được. Nhìn những kỷ vật thuở xưa, tiếp xúc với người quen, Bác đều ân cần hỏi thăm, nhắc lại chuyện cũ đầy xúc động. Các cụ nói, Bác gần gũi, thân tình với mọi người như người con lâu ngày về thăm quê, chứ không ai nghĩ đó là Chủ tịch nước”
Tính Bác bình dị, đơn sơ là thế. Hôm về thăm quê, dù trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác chỉ mặc chiếc áo sơ mi trắng đơn giản, chiếc quần ít nhiều phai màu, đi đôi dép râu bình dị. Bác gặp ai cũng vui vẻ, thăm hỏi, trò chuyện ân cần. Dù xa quê đã lâu nhưng khi về thăm, Bác Tôn đều nhớ vị trí từng cây xoài, hàng sao, từng kỷ vật trước lúc đi làm cách mạng.
Lần này Bác trở về, gia đình, bà con xóm giềng đến đón chào thăm hỏi rất đông, từ trong nhà đến tận cả sân, nhưng mẹ của Bác thì đã không còn nữa, Bác ân cần hỏi hang từng người thì lặng lẽ đến thắp nén nhang cho tổ tiên và đấng sinh thành. Có điều khiến cho Bác rất buồn trước khi rời đi là không thể ra viếng được mộ của cha mẹ do mùa nước nổi, không tiện việc đi lại.
Ở độ tuổi 87 và phải qua 30 năm mới trở lại thăm quê lần 2 nhưng Bác không dám nán lại quê lâu bởi sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều khó khăn và biết bao công việc cần phải giải quyết. Bác vội vã về, rồi lại vội vã đi để tiếp tục lo cho dân, cho nước, để lại ký ức gần gũi, thân thương trong lòng bà con, họ hàng và người dân Mỹ Hòa Hưng.
Không ai nghĩ rằng, đó cũng là chính là lần cuối cùng Bác Tôn về thăm quê hương, cho đến khi Bác mãi mãi ra đi theo chân Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng về với “Thế giới của những người hiền” chỉ 5 năm sau đó.
Với hơn 70 năm rời xa quê hương, hơn ¾ cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập dự do cho tổ quốc, Bác Tôn chỉ trở về thăm quê nhà chỉ vỏn vẹn hai lần, mỗi lần trở về thăm quê hương, tuy chỉ trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, những đã để lại bao nhiêu cảm xúc, kỷ niệm về Bác trong lòng của người thân, gia đình và người dân quê nhà.
Cả cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác Tôn mãi mãi là một di sản quý giá để lại cho thế hệ mai sau. Bác đã đi xa, nhưng những cống hiến, hy sinh to lớn, nhân cách sống giản dị, gần gũi của Bác, hình ảnh một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, một anh Hai Thắng của quê hương An Giang, sẽ luôn được khắc ghi và nhớ mãi.