Chủ tịch Tôn Đức Thắng, suốt cuộc đời của Bác đã không ngừng tận tụy hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ người thanh niên trẻ của một vùng quê nghèo, trở thành người thợ máy Ba Son, rồi chính tay mình kéo cờ đỏ phản chiến ủng hộ cách mạng tháng 10 Nga trên chiến hạm Pháp, người đi đầu trong các phong trào cách mạng của giai cấp công nhân kháng Pháp tại Sài Gòn, đến khi trở thành người lãnh đạo mẫu mực của dân tộc ta.
Ngược theo dòng lịch sử, sau sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp ở biển Đen, Bác Tôn bị Pháp trục xuất về nước. Năm 1929, sau sự kiện tại đường Babier, Bác Tôn bị địch bắt, kết án 20 năm tù và đày ra Côn Đảo. Với số hiệu tù 5289.20TF, giam tại Banh I – nơi đây được coi là hiện thân của địa ngục trần gian, với những công việc khổ sai như xay lúa, đốn củi, kéo gỗ, kè đá, mò san hô, dọn tàu.
Ở đây, còn nổi tiếng với những hình phạt man rợ như đòn roi, còng, xiềng, xà lim, hầm xay lúa, giam cầm biệt lập… Trong sự đày đọa khốn cùng, người cộng sản Banh I phải quyết định lấy vận mệnh, hoặc là chịu chết mòn mỏi, hoặc là đấu tranh để sống trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sớm nhận thức được điều đó, những năm tháng bị đày đọa trong nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn đã cùng với những anh em trong tù đấu tranh bảo vệ những bạn tù yếu thế trước những trận đòn roi, nhục hình khổ sai của bọn cai ngục và hun đúc tinh thần cách mạng cho những bạn tù có lòng yêu nước khác.
Bác Tôn và các đồng chí tù chính trị yêu nước đã thành lập ra Hội cứu tế tù nhân, đến Hội những người tù đỏ, rồi thành lập ra Chi bộ đặc biệt nhà tù Côn Đảo chỉ với 20 đảng viên, cùng nhau đấu tranh cách mạng trong tù, nhất là trong việc liên lạc với Đảng ở đất liền và tổ chức vượt ngục.
Ở nhà tù Côn Đảo vượt ngục đồng nghĩa với vượt biển, người vượt ngục không chỉ đối phó với hệ thống canh phòng chặt chẽ của nhà tù mà còn phải đối mặt với sóng to, gió lớn, với cá mập rình rập ở đại dương. Qua các lần vươt ngục, số lượng tù nhân thành công về đến được đất liền rất ít hoặc là bị bắt lại hoặc là mất tích ngoài biển khơi. Trong hai năm 1944,1945, Bác Tôn đã tổ chức vượt ngục hai lần nhưng đều bất thành, nhiều đồng chí đã phải hy sinh nơi biển đảo mênh mông.
Cuối năm 1932, việc liên lạc bí mật trong nội bộ bị địch phát hiện do có một đồng chí đảng viên bị bắt, Bác Tôn bị giam vào hầm xay lúa – đây nơi hành hạ dã man đối với các tù nhân, người tù phải chịu cảnh tối tăm, ngày cũng như đêm, không khí ngột ngạt, bụi mù mịt bốc lên từ cối xay. Những người tù lúc nào cũng phải ở trần, cũng vì thế mà bụi trấu hòa lẫn mồ hôi bám vào da thịt bóc ra từng mảng, lở loét rất đau đớn.
Lúc này, ở Hầm xay lúa, bọn lưu manh đang thanh toán lẫn nhau, Bác Tôn được chỉ định làm “Cặp Rằng” với âm mưu đẩy Bác vào chỗ chết. Vượt lên nghịch cảnh, với uy tín của mình, Bác Tôn đã cải tạo chế độ hầm xay lúa, cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của một số tù nhân cộng sản và thành lập Hội cứu tế tù nhân ngay trong hầm xay lúa.
Bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, Bác Tôn cùng với những chiến sĩ cộng sản kiên cường đã đoàn kết các tầng lớp tù với nhau, trở thành những người đồng đội, tạo thành một sức mạnh bền vững để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù tại nơi đày ải hà khắc nhất, gian khổ nhất, là “địa ngục của địa ngục trần gian” – Hầm xay lúa.
Bác Tôn, với vai trò là người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt của Côn Đảo, của Hội tù nhân, Bác đã được anh em bạn tù rất khâm phục và tín nhiệm bởi tính kiên cường trong đấu tranh với kẻ thù.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng đưa đoàn tàu ra Côn Đảo đón Bác và những bạn tù chính trị khác. Từ Côn Đảo, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc tàu, thuyền khác đã đưa gần 2.000 tù chính trị trở về đất liền. Chiếc ca nô mang tên Giải phóng, do chính tay mình sửa chữa, Bác Tôn đã cầm lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo trở về vùng đất của sự tự do, kết thúc khoảng thời gian 15 năm dài với biết bao hy sinh, gian khổ, tại nơi địa ngục trần gian mang tên ‘Nhà tù Côn Đảo”.
Từ điểm dừng ở quê hương Sóc Trăng, những người tù chính trị Côn Đảo tỏa ra khắp nơi để tiếp tục cuộc đời hoạt động cách mạng, vì lý tưởng Cộng sản. Bác Tôn của chúng ta, từ sau cuộc trở về lịch sử đó, sau ngần ấy thời gian bị tra tấn, bị giam cầm, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, nhưng với ý chí kiên cường, Bác vẫn sống sót một cách thần kỳ và lại tiếp tục con đường cách mạng vẻ vang của mình.
Năm 1946, Bác Tôn ra Bắc gặp Bác Hồ, cùng nhau cả hai Bác đã trở thành những người đồng chí, người bạn chiến đấu vô cùng thân thiết, cùng kề vai, sát cánh lãnh đạo toàn quân và dân ta chiến thắng 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất non sông.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Bác, có thể nói khoảng thời gian Bác Tôn bị bắt và giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, là khoảng thời gian dài nhất, tăm tối nhất, gian khổ nhất, nhưng cũng chính là nơi đã tôi luyện nên chất người “Tôn Đức Thắng” với ý chí sắc đá, một tinh thần thép, một “ Người Cặp Rằng mang tên Hai Thắng” không bao giờ phai mờ trong ký ức của những bạn tù yêu nước.
Tinh thần và ý chí kiên cường ấy cùng một trái tim đầy nhiệt huyết, luôn rực cháy ngọn lửa đấu tranh không mệt mỏi vì tình yêu với Đảng, với Tổ quốc của Bác Tôn đã và sẽ là một tấm gương sáng mãi cho muôn đời sau, chân dung một người cộng sản, một vị lãnh tụ mẫu mực vẫn luôn sống mãi cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam.