(CỔNG TTĐT AG)- Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị đều là những người nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác. Đồng chí Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng, có một em trai và hai em gái. Truyền thống gia đình, quê hương và thời cuộc tác động mạnh và ảnh hưởng nhiều đến chí hướng, tình cảm và nhân cách anh thanh niên Tôn Đức Thắng. Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng theo học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Bài học làm người, về nhân sinh quan, về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của Tôn Đức Thắng được truyền từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông Kinh nghĩa thục”.
Bác Tôn được theo học chữ Hán với nhà nho Nguyễn Thượng Khách, một chí sĩ yêu nước của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông là người đã ươm mầm và hun đúc nên tình yêu Tổ Quốc, tinh thần bất khuất trong cậu học trò Tôn Đức Thắng. Qua từng bài học vỡ lòng, Bác Tôn dần cảm nhận một cách sâu sắc về tình cảnh đất nước, nhân dân thống khổ dưới ách cai trị của thực dân Pháp.
Năm 1906, Tôn Đức Thắng tốt nghiệp tiểu học, hương chức, hội tề khuyên anh ra làm việc làng, giúp hương chức trong làng làm việc với các quan Tây ở quận, ở tỉnh.
Nhưng với lòng yêu nước, ghét Tây, ghét những kẻ làm tay sai cho Tây, Tôn Đức Thắng đã từ chối, muốn lên Sài Gòn học thêm. Với số tiền 300 đồng bạc Đông Dương (tương đương gần một ngàn giạ lúa thời đó), cùng sức học sẵn có Tôn Đức Thắng thừa khả năng vào học trường Chasseloup Laubat và sau đó học trường đào tạo công chức thuộc địa sẽ đảm bảo cho anh một cương vị “thầy, chú” cao sang, sung sướng vào thời buổi ấy. Khi ở trong làng, Tôn Đức Thắng không chịu làm tay sai cho hương chức, thì làm sao chịu làm tay sai cho bọn thống trị Pháp.Tôn Đức Thắng đi quan sát, tìm hiểu khá nhiều nơi. Nhờ vậy, anh phân biệt và đánh giá: Sài Gòn có khu sang trọng của người Pháp, khu thương mại náo nhiệt, đa số là người Hoa… Xóm nhà lá của dân nghèo thành thị, đâu đâu cũng thấy người làm thuê, vác mướn. Giới thầy chú, công chức ăn mặc sạch sẽ, làm việc ở công sở, sở tư, nhưng cũng có lúc bị chủ chửi bới rất thô tục. Giới công nhân cũng có nhiều tầng lớp: công nhân kỹ thuật, công nhân có công việc làm, công nhân làm khoán và công nhân thất nghiệp. Sự bất bình đẳng xã hội phơi bày rõ rệt. Chủ Tây là chúa tể nắm quyền sinh sát.Tôn Đức Thắng là người vốn có tư chất thông minh, đầy khát vọng, tính tự lập cao, tư duy nhạy bén, lễ phép, thương người, có tư chất của người lao động kỹ thuật. Chính những điều kiện đó đã dẫn dắt anh sớm đến với phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những ngày đầu và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Năm 1906, người thanh niên Tôn Đức Thắng, giữa tuổi 18 đã quyết định rời quê hương để đến Sài Gòn và theo học trường Cơ khí Á Châu Sài Gòn (Ecole des mécaniciens Asiatiques de Sai Gon) – một trung tâm duy nhất đào tạo lực lượng thợ máy hàng hải cho Pháp đặt tại Đông Dương. Nay Trường còn có tên gọi khác là Trường Bá Nghệ Sài Gòn, nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
Sau khi tốt nghiệp, Người vào làm việc tại xưởng Ba Son. Năm 1912 Bác Tôn tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Bách nghệ Sài Gòn bãi khóa. Những cuộc đấu tranh đầu tiên đã báo hiệu sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tại quân cảng Arsenal de Toulon (Miền nam nước Pháp), trong vai trò lính thợ, Bác Tôn đã sớm hòa mình, học tập kinh nghiệm từ giai cấp công nhân quốc tế.
Năm 1919, chiến hạm France chở theo người lính thợ Tôn Đức Thắng tiến vào Biển Đen. Pháp muốn can thiệp chống phá chính quyền Xô Viết còn non trẻ. Bác Tôn đã hòa mình vào không khí phản chiến sôi sục cùng những người lính yêu chuộng hòa bình. Đúng 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, Tôn Đức Thắng đã kéo ngọn cờ đỏ tung bay trên cửa biển Xêvátxtôpôn giữa âm vang bài Quốc Tế Ca hùng tráng cất lên bởi binh lính Pháp.Sau sự kiện trên, cuối năm 1919, Bác Tôn bị trục xuất khỏi nước Pháp và về lại Sài Gòn làm công nhân sửa xe hơi ở Phú Nhuận. Đến năm 1920, Bác đã lập công hội bí mật tại Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ tháng 08 năm 1925, Bác Tôn đã tổ chức và lãnh đạo những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Ba Son. Qua đó cho thấy bước trưởng thành vượt bậc của phong trào công nhân từ “Tự phát” chuyển sang “Tự giác”. Năm 1927, Bác Tôn tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành kỳ bộ Nam kỳ; trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn.
Hàng loạt cuộc đấu tranh dưới sự lanh đạo của Bác Tôn và tổ chức công hội bí mật đã khiến giới cầm quyền, chủ xưởng Pháp rung chuyển. Chúng liệt Bác vào diện “nguy hiểm” và tuyên án 20 năm khổ sai, đày đi Côn Đảo vào ngày 02/7/1930. (Còn tiếp) ….
Hữu Trực