(Cổng TTĐT AG) -Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước nhà đang bị thực dân Pháp xâm lược; lớn lên ở vùng quê có truyền thống yêu nước, nên ngay từ tuổi niên thiếu, Tôn Đức Thắng đã tận mắt chứng kiến sự bóc lột thậm tệ, tội ác dã man của giặc đối với đồng bào mình; xót xa trước nỗi cơ cực, lầm than của người dân mất nước, trong anh sớm hình thành lòng yêu nước, thương dân.
Vốn có tư chất thông minh, đầy khát vọng và có tính tự lập cao, tư duy nhạy bén, hào hiệp trượng nghĩa, yêu thích và đam mê lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật, người thanh niên Tôn Đức Thắng sớm đến với phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những ngày đầu và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, từ năm 1919, khi người thợ lính Tôn Đức Thắng cùng với những người bạn trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen làm cuộc binh biến, phản đối chiến tranh, ủng hộ cách mạng và chính quyền Xô Viết non trẻ, kéo lá cờ đỏ tung bay trên chiến hạm Phơ-răng-xơ trở thành một sự kiện lớn, là tiền đề cho hàng loạt phong trào phản chiến của các chiến hạm khác cùng tham gia phản đối chiến tranh, ủng hộ cách mạng vô sản Nga, bảo vệ nước Nga Xô viết cho đến khi trở thành Chủ tịch nước và qua đời (từ năm 1969 đến năm 1980), đồng chí Tôn Đức Thắng – người đồng chí và bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và nhân dân ta đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, suốt đời vì Dân vì Đảng.
Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang cùng với tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, là di sản tinh thần quý báu làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của Đảng và của dân tộc trong thế kỷ XX, trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà mỗi người chúng ta đều gọi một cách trìu mến, thân thương là “Bác Tôn”, nhất là tấm gương Bác Tôn suốt đời thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như một thực hành văn hóa, văn hóa ở đời thì phải thân dân, văn hóa làm người thì phải chính tâm, chúng ta rút ra những bài học cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống hôm nay.
Trong cuộc đời chiến đấu của mình, nhất là trong đời sống thường nhật, trong lối sống và nếp sống, Bác Tôn có nhiều điểm tương đồng với Bác Hồ.
Bác Tôn sống và làm việc cùng với Bác Hồ, gắn bó thân thiết bên cạnh Bác Hồ suốt 23 năm, từ năm 1946 đến năm 1969, khi Bác Hồ mất, Bác Tôn thay Bác Hồ ở cương vị Chủ tịch nước. Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai Bác ở bên nhau, cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với dân với Đảng, cùng nhau gánh vác trọng trách do dân ủy thác, do Đảng phân công, tận tâm tận lực vì dân vì nước, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi. Bác Tôn mang hình ảnh của Bác Hồ, là hiện thân của đức hy sinh, đặt việc dân, việc nước lên trên, lên trước, một đời cần kiệm, một đời liêm chính “dĩ công vi thượng” và “quang minh chính đại”. Bác Tôn và Bác Hồ là hiện thân mẫu mực của tình đồng chí, tình bạn chân thành và cảm động, rất mực tôn trọng, tin cậy và thương yêu lẫn nhau, là biểu tượng cao quý về tấm lòng “tinh thần đoàn kết”, về phẩm chất đạo đức trung thực, khiêm tốn, tận tụy và trách nhiệm, về sự cao thượng, vị tha – nhân ái – khoan dung.
Những phẩm chất và đức tính đó làm nên nhân cách lớn của Bác Tôn mà chúng ta vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ để học tập và làm theo.
Ngày 19/8/1950, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 02/9”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước ta vừa độc lập được 5 năm, đã 5 năm nhân dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh cực khổ để cho nước nhà độc lập, thống nhất và con cháu ta được hưởng tự do, hạnh phúc muôn nghìn đời về sau”, và nêu tấm gương: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một con người rất ưu tú của Tổ quốc… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Chúng ta nhớ lại một sự kiện liên quan đến Bác Tôn và tình cảm của Bác Hồ dành cho Bác Tôn. Đó là ngày 19/8/1958, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và cũng là dịp kỷ niệm Bác Tôn 70 tuổi, Bác Hồ trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao vàng, tấm huân chương cao nhất của nước ta.
Trong lễ trao tặng, Bác Hồ xúc động nói: “Thay mặt nhân dân và chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.
Ngày 20/8/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ mừng thọ 80 tuổi Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tặng người đồng chí lão thành hai câu thơ: “Càng già, chí khí càng dai/Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già”.Có lần Bác Tôn nói với thư ký của mình, “Mình với Bác Hồ có giống nhau cũng vì cùng là người thợ. Nhưng mình chỉ bằng Bác Hồ được về mặt lao động thôi. Về chính trị cũng như về văn học, mình không sánh được. Bác Hồ là bậc thầy về mọi mặt”.
Lời tâm sự ấy của Bác Tôn cho thấy sự chân thành và đức khiêm tốn của Bác. Thật là cảm động khi chúng ta xưng hô với Bác Tôn, gọi Bác là Bác, Bác căn dặn chúng ta bằng câu nói tự đáy lòng. Bác nói, từ “Bác” chỉ nên dành riêng để gọi cho Bác Hồ thôi. Nó thiêng liêng và cao quý lắm, đó là tình cảm mà tất cả chúng ta, mọi người trong nước cũng như bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ. Còn với tôi, gọi là đồng chí là được rồi. Nghe những người giúp việc Bác, làm việc với Bác kể lại như vậy, mỗi chúng ta đều thấm thía và càng kính trọng Bác. Sự bình dị và đức tính khiêm nhường của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng – vị Chủ tịch trưởng thành tự một người thợ máy, từ một công nhân bình thường và suốt đời mang cốt cách lao động của người thợ, thấm đẫm bản chất công nhân mà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi là “chất người Tôn Đức Thắng”, “nét tinh túy nhân văn Tôn Đức Thắng”, cho ta thêm một lần cảm nhận về Bác Tôn – một nhân cách lớn.Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta cùng nhau ôn lại tấm gương sáng ngời và bài học lớn từ đạo đức, nhân cách của Bác Tôn mãi mãi là niềm tự hào, cổ vũ, thúc đẩy triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cùng chung tay, chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, góp phần xây dựng quê hương An Giang – quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Q. Hùng
* Tài liệu tham khảo
– Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, “Tôn Đức Thắng – tiểu sử”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2017.
– Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy An Giang “Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, , Nxb Lý luận chính trị, 2018.
– Tạp chí Lao động và Công đoàn, số 643 (tháng 8 năm 2018).