(Cổng TTĐT AG) -Di sản quý nhất mà Bác Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, là sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản và cuối cùng là chất nhân đạo của con người.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Sư đoàn 308 (ngày 28-8-1974). Ảnh tư liệu
Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, mặc mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho đồng chí Tôn Đức Thắng ngày 19/8/1958. Ảnh: Tư liệu
Nhìn lại cuộc đời của Bác Tôn, là một tấm gương phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp độc lập dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Xuất thân từ hàng ngũ giai cấp công nhân, từ lúc còn trẻ, Bác Tôn đã giác ngộ cách mạng và tham gia lãnh đạo phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, phong kiến.
Nếu Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, đi sang Pháp, Anh, Mỹ và các nước thuộc địa, đi đến chủ nghĩa cộng sản để rồi sau này trở thành nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, thì Bác Tôn – là người con ưu tú của dân tộc ta, người công nhân Việt Nam đầu tiên đi đến chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Bác Tôn đã tham gia cuộc nổi dậy phản chiến của Hải quân Pháp ở Biển Đen, là người Việt Nam kéo lá cờ đỏ trên một chiến hạm của Pháp để chào mừng Nhà nước của giai cấp vô sản, chống lại sự can thiệp vũ trang của đế quốc, ủng hộ nước Nga Xô viết, Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nêu cao tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Đó là một hành động mà lúc bấy giờ được xem là hiếm có, hơn thế nữa, là một hành động xuất chúng, chứng tỏ Bác Tôn là người Việt Nam yêu nước – mà là người yêu nước thì nhất định đi đến chủ nghĩa cộng sản. Bởi những người cộng sản chân chính bao giờ cũng là người yêu nước.
Đến khi bị Đế quốc Pháp bắt giam, đày đọa Bác Tôn 17 năm trời ở Khám lớn Sài Gòn và nhà ngục Côn Đảo với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống, hoặc bỏ đói, bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Bác Tôn trước sau vẫn không lay chuyển. Trong nhà tù, Bác luôn luôn nêu cao lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân, luôn luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn luôn vui vẻ và không bao giờ sao lãng công tác cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn ra khỏi nhà tù. Vừa bước chân lên đất liền thì cuộc kháng chiến bùng nổ, Bác lại tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Mười ba năm, ở những cương vị quan trọng trong Đảng, Quốc hội, Mặt trận, mặc dù tuổi cao, Bác đã nỗ lực làm đầy đủ nhiệm vụ của mình, cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận lãnh đạo nhân dân góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Sự cống hiến lớn lao của Bác cho nền độc lập dân tộc và hoà bình thế giới đã được nhân dân thế giới kính mến. Bác là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng hoà bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hoà bình thế giới.
Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở Bác Tôn còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị. Cũng như Bác Hồ, Bác Tôn là một con người đẹp từ việc lớn đến việc nhỏ, lúc ở Côn Đảo cũng như lúc ở Phủ Chủ tịch. Và cũng như Bác Hồ, Bác Tôn rất vui tính, nói ít, làm nhiều, suốt đời hiến dâng nghị lực, tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp lớn của nước, của dân. Con người và cuộc sống của Bác Tôn là như vậy. Đây là một tấm gương mà mọi người chúng ta cần noi theo.
Nhớ Bác Tôn, nhớ bài học mà Bác lấy cả đời mình làm mẫu, chính là tìm cái vĩ đại trong cái bình thường của một con người coi như đơn giản mà cực kỳ phức tạp khó khăn đối với những ai nắm quyền trong tay. Tinh hoa dân tộc, cốt lõi miền đất phóng khoáng và mộc mạc An Giang, tính cách thợ mà thành phố Sài Gòn và cả phong trào công nhân Pháp hun đúc, chủ nghĩa Mác – Lênin, lý tưởng cộng sản, trí tuệ và đức độ của Hồ Chí Minh -tất cả tổng hợp nên một Tôn Đức Thắng, gia tài của cả nước, của Nam Bộ và An Giang, sản phẩm của phong trào công nhân thế giới, tiếng vọng đầy kiêu hãnh của Cách mạng Tháng Mười Nga…
Bác Tôn mãi mãi để lại cho đời một di sản vô cùng quý giá về tư tưởng và đạo đức tác phong, không phải được diễn đạt bằng những pho sách qua ngôn ngữ triết lý, thơ văn – mà bằng sự phát sáng trong thực tiễn hoạt động cách mạng dày dạn, phong phú, triệt để, giàu tính Đảng, tính chiến đấu, tính nhân văn và là sự biểu hiện rực rỡ của tư duy năng động, sáng tạo. Phải chăng, các bậc tiên hiền xưa kia gọi đó là loại hình của tư tưởng “triết học vô ngôn”. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức để kiến giải tận tường chất tinh hoa trong loại hình tư tưởng “triết học vô ngôn” đó./.
An Phương
Bài viết có tham khảo một số bài viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng