(Cổng TTĐT AG)- Cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương về đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Mặc dù là người đứng đầu Nhà nước, Bác Tôn lúc nào cũng giữ một “phong cách công nhân trong sáng… khiêm tốn, giản dị, chân thành, luôn hòa mình vào quân chúng”. Hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi trong lòng bao lớp cháu con của quê hương An Giang.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018), Cổng Thông tin Điện tử An Giang xin trân trọng giới thiệu bộ ảnh hiện vật lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng:
Ảnh: Mô hình chiến hạm France trên Biển Đen năm 1919
Năm 1919, chiến hạm France chở theo người lính thợ Tôn Đức Thắng tiến vào Biển Đen. Pháp muốn can thiệp chống phá chính quyền Xô Viết còn non trẻ. Bác Tôn đã hòa mình vào không khí phản chiến sôi sục cùng những người lính yêu chuộng hòa bình. Đúng 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, Tôn Đức Thắng đã kéo ngọn cờ đỏ tung bay trên cửa biển Xêvátxtôpôn giữa âm vang bài Quốc Tế Ca hùng tráng cất lên bởi binh lính Pháp. Sau sự kiện trên, cuối năm 1919, Bác Tôn bị trục xuất khỏi nước Pháp và về lại Sài Gòn làm công nhân sửa xe hơi ở Phú Nhuận. Đến năm 1920, Bác đã lập công hội bí mật tại Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ảnh: Ca nô mang tên Giải Phóng do Bác Tôn sửa lại và điều khiển đưa cac đồng chí lãnh đạo cách mạng rời Côn Đảo trở lại đất liền năm 1945
Cách ngạng tháng 8/1945 thành công, Bác Tôn Đức Thắng đã sửa lại Chiếc ca nô Giải Phóng và điều khiển chạy vào cửa biển Mỹ Thanh – tỉnh Sóc Trăng an toàn trong khung cảnh tưng bừng rộn cờ hoa, khẩu hiệu và những giọt nước mắt sung sướng. Kỷ vật đánh dấu thời điểm chấm dứt 15 năm Bác Tôn ở địa ngục trần gian Côn Đảo của thực dân Pháp.
Xe đạp hiệu Diamant do nhà máy sản xuất xe đạp Diamant (Đức) tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nhân dịp Bác sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1955. Bác Tôn sử dụng xe này làm phương tiện đi lại, làm việc một thời gian. Năm 1958, Bác tôn tặng lại cho Ban công tác nông thôn.
Bộ đồ Đại cán, đôi giầy và quần áo Bác Tôn thường mặc khi làm việc.
Cặp kính mắt Bác Tôn đeo đọc sách, sinh hoạt, hội họp từ những năm 1957 – 1966.
Chiếc đồng hồ có ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn luôn giữ bên mình.
Ảnh: Chiếc điện thoại Bác Tôn dùng liên lạc, chỉ đạo quân dân trong giai đoạn chống Mỹ ném bom Miền Bắc năm 1972
Chiếc điện thoại Chủ tịch Tôn Đức thắng sử dụng làm phương tiện liên lạc chỉ đạo từ khu căn cứ sơ tán A4 Kim Bôi tỉnh Hòa Bình năm 1972 tới các chiến trường miền Nam và cả nước trong thời kỳ Mỹ ném bom đánh phá ác liệt ở miền Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Chiếc nón cối Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường đội trong các chuyến đi công tác được thân tộc Bác Tôn tặng lại Bảo tàng An Giang làm hiện vật trưng bày.
Ảnh: Cối xay tiêu Bác Tôn mua tại một cửa hàng bách hóa bên Liên Xô để làm quà cho Bác gái
Nhân dịp sang Liên Xô nhận giải thưởng Hòa Bình Quốc tế Lênin năm 1955, Bác Tôn đã mua về tặng cho Bác Tôn gái. Bác Tôn từng nói bảo: Tôi thích nhứt là cá kho tộ bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu hột ra đâm trong chén, văng tùm lum ra ngoài. Mắt bả kém rồi, nên cứ mò mò lượm từng hột bỏ vô… Thế nên Bác đã dành tiền mua cho Bác Tôn gái chiếc cối xay tiêu tại Cửa hàng bách hóa tổng hợp Mátxcơva. (Theo hồi ký “Những ngày tôi làm thầy thuốc riêng cho Bác Tôn” của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp)
Đôi hài hàm ếch do chính tay Bác Tôn làm tặng cho người em là là cụ Tôn Đức Nhung trong thời gian Bác Tôn còn học ở Long Xuyên.
Mặc dù ở cương vị Chủ tịch nước, Bác Tôn Đức Thắng vẫn luôn giữ một lối sống giản dị, phong cách một người thợ Ba Son. Bác Tôn thường sử dụng bộ đồ nghề từ hồi còn làm công nhân để tự mình sửa chữa chiếc xe đạp đi công tác.
Ảnh: Chuyên cơ YAK-40 số hiệu 452 chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào Sài Gòn dự Đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 15/5/1975.
Chuyên cơ YAK – 40 số 452 là chuyên cơ chở lãnh đạo Nhà nước. Đây là 01 trong 04 chiếc chuyên cơ loại YAK-40 mà nước ta được Liên Xô trao tặng. Chiếc chuyên cơ này đã đưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày 11/5/1975 để dự lễ mit-tinh kỷ niệm chiến thắng 30/4/1975 tổ chức ngày 15/5/1975. Tổ lái chuyến bay này gồm 03 người: Lái chính: Hoàng Liên; Lái phụ: Trần Tiến Dũng (hiện là Trưởng ban An ninh và An Toàn của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam); Dẫn đường: Đoàn Minh Hội.
Ảnh: Tàu Giang Cảnh trưng đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tháng 10/1975
Chiếc tàu, nguyên của chế độ cũ để lại, sau khi giải phóng Long Xuyên. Khi Bác Tôn về thăm quê nhà viếng mộ song thân, nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng Bác thời niên thiếu, Đảng bộ và chính quyền cách mạng đã dùng chiếc tàu này làm phương tiệc đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tháng 10/1975 sau khi nước nhà độc lập, thống nhất. Tàu dài 9,30m, rộng 2,640m, sâu từ bong tàu đến đáy phần mũi 1,555m, phần đáy 1,1150, khung mui tàu bằng Inox, phủ vải bạc 21m2, tàu sơn màu sám trắng, chất liệu composit, được Bảo tàng An Giang sưu tầm và phục chế đưa vào trưng bày phục vụ khách tham quan vào năm 2010./.
Hữu Trực