(Cổng TTĐT AG)- Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20-8-1888, trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, tại Cù Lao Ông Hổ, Tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ, đồng bào phải sống trong nô lệ lầm than, với lòng yêu nước, thương dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và trở thành một trong những chiến sỹ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch cũng là một trong những người đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam hoạt động trong phong trào công nhân Pháp.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trong đó có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có những cống hiến to lớn và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Năm 1946, Bác Tôn được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (tức Liên Việt) – một tổ chức nhằm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước. Thực hiện khẩu hiệu “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”, Bác Tôn đã không quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện lãnh đạo các đảng phái, chức sắc các tôn giáo nhằm làm cho mọi người nhận thức rõ thời cuộc, chính sách của Chính phủ kháng chiến và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống thực dân xâm lược. Bác thường nhắc nhở các thành viên trong Hội Liên Việt tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo trợ người già yếu, tàn tật, phụ nữ và trẻ em; phát triển nền văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội, Bác đã có những đóng góp quan trọng vào việc xác định vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Đọc diễn văn bế mạc Đại hội, Bác Tôn nhấn mạnh: “Chính sách Mặt trận của chúng ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa giai cấp phải được điều giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo, vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất và là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bác Tôn được phân công chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt (2-1951). Đại hội thành công tốt đẹp. Việt Minh và Liên Việt thống nhất thành một Mặt trận chung mang tên Mặt trận Liên Việt và Bác Hồ được cử làm Chủ tịch danh dự, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch. Thành công của Đại hội là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta về chính trị. Tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã khai mạc tại Hà Nội và quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội này, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong diễn văn đọc tại đại hội, Bác đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Bác kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. Bác đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.
Hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là 20 năm Bác liên tục được đại diện các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 10-9-1955 đến 2-1977) và Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày qua đời.
Do những cống hiến của Người đối với phong trào cách mạng thế giới, với cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được bầu là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới và được trao tặng Giải thưởng Lê-nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”, cùng nhiều Huân chương cao quý nhất của các nước anh em, như: Huân chương cách mạng Tháng Mười của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô; Huân chương Xu-Khechương Xu-khê Ba-to, Huân chương cao quý nhất của Mông Cổ; tháng 8 năm 1958 nhân dịp Bác tròn 70 tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương cho Bác và phát biểu: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là Huân chương cao nhất của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.
Với cương vị là người lãnh đạo của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, Công đoàn và là người lãnh đạo cao nhất, lâu năm nhất của Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn đã hoạt động hết mình vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bác cùng với Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc, Nam. Nét nổi bật ở Bác mà mọi người dễ nhận thấy là đức tính khiêm nhường, lối sống giản dị, lòng bao dung và tài cảm hoá mọi người. Chính phẩm chất cao quý ấy cùng với lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của dân tộc đã in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước sự ngưỡng mộ và kính phục.
Chín mươi hai tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Ngày nay, trước tình hình mới và yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng càng có ý nghĩa để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực học tập, rèn luyện, noi theo.
Tiến tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người (20/8/1888-20/8/2018) Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng các Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tổ chức chuỗi hoạt động sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 và phát động các hoạt động thi đua để lập thành tích chào mừng sự kiện trọng đại này; riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và triển khai trong hệ thống đăng ký các công trình, sản phẩm; tích cực vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn như: Xây dựng cầu nông thôn, cất nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo…
Với tình cảm trân trọng, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tin chắc rằng, kỷ niệm Ngày sinh của Người sẽ là Ngày hội lớn của cả nước; đặc biệt là đối với người dân An Giang sẽ có thêm nhiều công trình, sản phẩm kính dâng lên Người; đồng thời, qua đây cũng là cơ hội để An Giang có dịp kêu gọi giới thiệu với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh để kêu gọi hợp tác, đầu tư giúp cho An Giang ngày càn phát triển bền vững.
Thanh Khiết