Sinh ra và lớn lên khi thực dân Pháp đã đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam, chứng kiến cảnh “nước mất nhà tan”, xã hội đầy dẫy bất công, nhân dân bị bóc lột cùng cực, Bác Tôn đã sớm có tinh thần yêu nước và khát vọng đấu tranh chống áp bức, bóc lột giành độc lập.
Bác Tôn cũng là thế hệ công nhân đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, một hình mẫu của người công nhân nước ta về sự tận tâm, tận lực với nghề và tinh thần yêu nước nồng nàn. Đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, cuộc đời sự nghiệp của Bác Tôn là di sản quý báu, tạo nền tảng, định hướng cho tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng phát triển đất nước.
Năm 1906, Bác Tôn học xong tiểu học, rồi lên Sài Gòn học nghề tại Trường Kỹ nghệ Viễn Đông. Năm 1909, Bác Tôn vào làm ở xưởng đóng tàu Ba Son, trở thành một trong những người thợ giỏi, Bác Tôn còn tích cực vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học để chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân chống đánh đập, cúp phạt, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc.
Năm 1916, Bác Tôn bị động viên vào làm thợ máy cho hải quân Pháp. Năm 1919, Bác Tôn đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga, nhà nước Xô-viết đầu tiên trong lịch sử loài người. Trong những năm tháng sống ở Pháp và tham gia phong trào đấu tranh của thủy thủ Pháp, Bác Tôn đã ý thức được sức mạnh của giai cấp công nhân.
Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn ở nước ngoài, năm 1920 khi trở về Sài Gòn, Bác Tôn đã vận động công nhân thành lập Công hội để tổ chức đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập dân tộc. Theo Bác Tôn ở Việt Nam thời kỳ này Công hội ra đời không chỉ nhằm tập hợp công nhân đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế mà còn phải đòi cả quyền lợi về chính trị. Do vậy Công hội ở Việt Nam phải hoạt động bí mật,
Bác Tôn cũng là người đầu tiên tổ chức ra Công Hội đỏ cách mạng bí mật ở Sài Gòn, một tổ chức tiến bộ nhất lúc bấy giờ và được hình thành ngay trung tâm công nghiệp của cả nước lúc bấy giờ, điều này có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng, đã đặt cơ sở, nền móng cho lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn Việt Nam. Sự ra đời của Công hội bí mật đầu tiên ở nước ta đã đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, từng bước đưa giai cấp công nhân nước ta lên vũ đài chính trị và trở thành lực lượng chính trị độc lập, chuyến từ giai đoạn đấu tranh tự phát, sang tự giác.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn đã giành cả tuổi thanh xuân cho việc tìm đến lý tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, luôn tìm mảnh đất tốt và tạo điều kiện thuận lợi để gieo trồng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn Việt Nam. Bác Tôn luôn chú trọng bồi dưỡng, phát hiện, giới thiệu và cất nhắc nhiều thanh niên công nhân, trở thành những cán bộ chủ chốt, mà tên tuổi, sự nghiệp của họ mãi mãi gắn liền với phong trào công nhân hoạt động công đoàn Việt Nam.
Bác Tôn đã từng sống, hoạt động với tư cách là người công nhân, người đoàn viên công đoàn và là lãnh tụ của phong trào công nhân Công đoàn Việt Nam. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, chất công nhân, và chất cách mạng tinh khiết từ khi còn là một người thanh niên đến cuối cuộc đời của Bác Tôn, vẫn luôn thể hiện rõ là một người yêu nước, thương dân nhất mực, người có tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, chia sẻ ngọt bùi, tương thân tương ái, trọng nghĩa khí, ghét áp bức bất công, có tinh thần đoàn kết quốc tế vì độc lập, thống nhất tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc, luôn cần cù, sáng tạo, bao dung, độ lượng. luôn phấn đấu không mệt mỏi và tuân thủ nghiêm quyết định của tổ chức.
Những cống hiến đó của Bác Tôn đã góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo nền tảng, định hướng cho hoạt động công đoàn Việt Nam. Sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, do yêu cầu của cách mạng, Bác Tôn vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam cũng luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Tại Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14-2-1974, Bác Tôn đã được bầu là Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam.
Đối với giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, dù ở bất kỳ cương vị nào, Bác Tôn vẫn luôn giành sự quan tâm đặc biệt, Công đoàn Việt Nam cũng luôn gắn bó với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Cuộc đời và hoạt động của Bác Tôn là di sản quý báu đối với phong trào công nhân và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đã, đang trở thành giá trị tinh thần vô giá, tạo nền tảng tư tưởng, cho lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn Việt Nam. Tiêu biểu của di sản đó trước tiên là tính tổ chức, tính nguyên tắc và đảm bảo kỷ cương, dù làm việc to, việc nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm quyết định của tổ chức, của tập thể.
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024) và hướng đến kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2024), thế hệ chúng ta hôm nay mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của Bác Tôn đối với giai cấp công nhân và trong việc đặt nền móng đầu tiên hình thành, xây dựng nên tổ chức công đoàn Việt Nam. Cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, nguyện noi theo tấm gương của Bác Tôn, phấn đấu trở thành công dân tốt, những cán bộ tận tụy, gương mẫu, hết lòng vì dân, vì sự nghiệp cách mạng do Bác Hồ và Bác Tôn đã đặt nền móng gây dựng.