(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sau gần 01 năm được LĐLĐ tỉnh nghiên cứu, tham mưu xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy, nay Giải thưởng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế triển khai xét tặng cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng là phần thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh và LĐLĐ tỉnh An Giang trao tặng nhằm tôn vinh những công nhân, lao động tiêu biểu, kỹ sư trực tiếp sản xuất hoặc trực tiếp điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; cán bộ, y bác sỹ, nhân viên, người lao động ngành y tế; cán bộ, giáo viên, người lao động ngành giáo dục tích cực trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”..
Giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trao tặng mỗi năm 01 lần vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8).
Cá nhân nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, biểu trưng và tiền thưởng kèm theo trị giá 15.000.000 đồng. Phải đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn sau:
Điều kiện: tốt nghiệp 12, thời gian công tác từ 5 năm trở lên; tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; không vi phạm nội quy, quy chế đơn vị, không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội, không tham gia, lôi kéo khiếu nại tập thể, tranh chấp lao động hoặc đình công không đúng quy định pháp luật.
Tiêu chuẩn: là đảng viên hoặc đoàn viên công đoàn xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động của công đoàn, đơn vị, doanh nghiệp. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách luật pháp của Nhà nước. Đồng thời, mỗi cá nhân phải đạt tiêu chuẩn và danh hiệu riêng, cụ thể:
Đối với đoàn viên công đoàn là cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động cần đạt:
Về giá trị làm lợi hoặc tiết kiệm của các đề tài, giải pháp, sáng kiến: đối với kỹ sư phải trực tiếp là tác giả (hoặc đồng tác giả) của ít nhất 01 đề tài khoa học, giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng thực tiễn có tổng giá trị làm lợi hoặc tiết kiệm từ 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) trở lên được doanh nghiệp quyết định công nhận và khen thưởng. Đối với công nhân trực tiếp sản xuất phải 03 năm liên tục có giải pháp, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi hoặc tiết kiệm từ 100.000.000 đồng trở lên được doanh nghiệp quyết định công nhận và khen thưởng.
Về danh hiệu: đối với kỹ sư, công nhân trực tiếp sản xuất phải đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” (đối với doanh nghiệp nhà nước); phải đạt 01 trong 02 danh hiệu: “Lao động giỏi” hoặc “Đoàn viên công đoàn xuất sắc” (doanh nghiệp ngoài nhà nước).
Đối với đoàn viên công đoàn là cán bộ, y bác sỹ, nhà giáo, người lao động cần đạt:
Về giá trị làm lợi hoặc tiết kiệm của các đề tài, giải pháp, sáng kiến: đối với cán bộ, đoàn viên, y, bác sỹ, nhà giáo giữ chức danh lãnh đạo quản lý (có hệ số phụ cấp từ 0,3 trở lên) phải trực tiếp là tác giả (hoặc đồng tác giả) của ít nhất 02 đề tài khoa học, giải pháp, sáng kiến đã được ứng dụng thực tiễn có tổng giá trị làm lợi hoặc tiết kiệm từ 200.000.000 đồng trở lên. Đối với cán bộ, đoàn viên, y, bác sỹ, nhà giáo không giữ chức danh lãnh đạo quản lý phải 03 năm liên tục có giải pháp, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi từ 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) trở lên.
Về danh hiệu: cá nhân đề nghị phải hoàn thành tốt nhiệm vụ 5 năm liên tục, trong đó có 2 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 1 lần đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” và đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” 3 năm liên tục (tính cả năm đề nghị Giải thưởng).
Ngoài ra, các đối tượng trên phải đạt được một trong các danh hiệu sau: Giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh hoặc toàn quốc từ giải khuyến khích trở lên; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh về thành tích Lao động giỏi, đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” trong các hội thi thợ giỏi các cấp (đối với công nhân lao động).
Thông qua Giải thưởng, thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng, phát hiện nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến và động viên khen thưởng các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến để tạo khí thế thi đua sôi nổi, khích lệ, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, phát huy trí tuệ, không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, người công nhân trí thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngoài Giải thưởng Tôn Đức Thắng vừa được ban hành, những năm qua LĐLĐ tỉnh đã tổ chức xét trao Học bổng Tôn Đức Thắng cho con đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8). Đến nay, đã 25 lần trao tặng với 1.795 suất học bổng, trị giá trên 01 tỷ đồng./.
Cẩm Tú