Đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/7/1930, tàu Armand Rousseau chở những người tù trong đó có đồng chí Tôn Đức Thắng với số tù 5289.20TF (Travaux forcés) rời Sài Gòn đi Côn Đảo. Mười lăm năm ở chốn “địa ngục trần gian”, đồng chí không những kiên cường sống, mà còn dũng cảm chiến đấu chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Từ Banh I, Sở Lưới, Sở Tải (Tẩy), Xà lim 15 cho đến nơi đáng sợ nhất đối với người tù Côn Đảo lúc bấy giờ là Hầm xay lúa, người tù mang số 5289.20TF ấy vẫn luôn kiên gan, bền chí.
Hầm xay lúa tại nhà tù Côn Đảo là hình thức khổ sai tận dụng sức lao động của tù nhân, nơi đây được gọi là “nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục”. Từ khoảng 5 giờ sáng tới 17 giờ chiều, tù nhân phải lao động trong một căn hầm chật chội, ầm ĩ, bụi bặm, nóng bức và ngột ngạt. Hơn 100 tù nhân, 200 bao thóc, 5 cối xay và 2 quạt gió chen chúc nhau trong một căn hầm rộng chừng 150 m2. Cứ sáu người tù xay một cối bằng sức cánh tay vốn đã teo tóp, chân của hai người tù bị cột chung 1 sợi xích với quả tạ nặng 5kg. Họ phải xay lúa cho tù nhân trên đảo đủ dùng, khoảng 30 bao mỗi ngày. Tù nhân bị đưa vào đây đôi ba tháng là kiệt sức, toét mắt và lao phổi.
Cuối năm 1932, khi bị phạt vào Hầm xay lúa, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tìm mọi cách đấu tranh để đòi quyền lợi cho tù nhân. Khi cặp rằng Bảy Tốt tàn ác bị anh em trong Hầm xay lúa giết chết, bọn cai ngục buộc đồng chí Tôn Đức Thắng làm cặp rằng, với âm mưu mượn tay những tù lưu manh để sát hại đồng chí. Vậy nhưng, đồng chí đã thực hiện cuộc “cách mạng” trong Hầm xay lúa.
Không chỉ kiên trì giáo dục, giác ngộ, dìu dắt anh em tù đứng lên đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc nặng nhọc, sinh hoạt khổ sai, đồng chí còn bố trí, phân công lại công việc cho hợp lý. Cặp rằng Tôn Đức Thắng cũng nhận phần việc như những người khác, đây là điều chưa từng thấy ở Hầm xay này. Đồng chí còn bí mật dặn anh em khi quạt gạo không quạt kỹ, để anh em ở chuồng nuôi heo sàng lại, lấy tấm ăn thêm, hoặc chuẩn bị lương thực cho anh em trốn trại. Đồng chí còn tổ chức các buổi học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho anh em tù… Với cách làm việc như vậy, đồng chí Tôn Đức Thắng được những người tù trong Hầm xay và cả những tù anh chị đồng tình ủng hộ.
Hiện nay Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã phục dựng và đưa vào trưng bày chuyên đề “15 năm tù Côn Đảo” phục vụ khách tham quan, mời quý khách có dịp đến tham quan và trải nghiệm mô hình Hầm xây lúa.
Trích nguồn: Di tích nhà tù Hoả Lò – Hà Nội, ảnh Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.