(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 26/3, tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, Tỉnh uỷ An Giang đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 41 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng để tưởng niệm và tri ân vị lãnh tụ, người con ưu tú của quê hương An Giang.
Tại lễ tưởng niệm lãnh đạo tỉnh An Giang đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và là tấm gương và là niềm tự hào của nhân dân An Giang.
Phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và giàu lòng nhân ái, tại xã cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Người thanh niên Tôn Đức Thắng đã chứng kiến bao cảnh áp bức bất công của thực dân Pháp đối với đồng bào. Người đã sớm giác ngộ, rời xa gia đình, làng quê để dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ để quyết tâm đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã hun đúc mạnh mẽ lòng yêu nước chân chính, tăng thêm sức mạnh, niềm tin để Người thanh niên Tôn Đức Thắng hăng hái lao vào hoạt động cách mạng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lựa chọn con đường làm thợ tại xưởng đóng tàu Ba Son, Tôn Đức Thắng đã tập hợp các hạt nhân nồng cốt, lãnh đạo, tổ chức cuộc bãi công của học sinh, công nhân và đã thổi luồng sinh khí mới về chính trị vào đội ngũ thợ thuyền, gắn tư tưởng yêu nước với phong trào công nhân, bước đầu tạo ra sự chuyển biến quan trọng – từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Năm 1919, người thủy thủ Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc phản chiến, kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Hắc Hải để ủng hộ và góp phần bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôn Đức Thắng đã sáng lập tổ chức “Công hội Bí mật”- Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam và lãnh đạo nhiều cuộc bãi công có tổ chức, có quy mô và gây được tiếng vang về chính trị cả trong và ngoài nước. Tôn Đức Thắng đã góp sức đắc lực vào việc xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản ở vùng đất Nam Bộ và là một trong những đảng viên đầu tiên, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng ở Nam Bộ.
Lãnh đạo tỉnh, đại biểu dâng hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Trải qua 17 năm năm bị giam cầm ở Khám Lớn Sài Gòn và bị lưu đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, với ý chí và nghị lực phi thường, Bác Tôn đã cảm hóa bạn tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học của những người cộng sản. Bên cạnh khí chất của người cộng sản kiên trung, Bác Tôn còn là nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, suốt đời trung thành với Tổ quốc với dân tộc, hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân. Bác được ví như đại thụ trong rừng cây đại đoàn kết dân tộc, đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội đi đến đích thống nhất đất nước.
Gần 70 năm cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Bác Tôn đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Tổng thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu Nghị Việt Nam – Liên Xô, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Thường Trực Quốc Hội và trọng trách cao nhất là Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ và Chủ tịch đầu tiên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Bác Tôn là người đầu tiên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc họa nên một chân dung bất hủ về Bác Tôn “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cao quý của người cách mạng: luôn sống bình dị, đạm bạc, thanh cao, chân thành, hoà mình với quần chúng, chí công vô tư quên mình, hết lòng vì nước, vì dân.
Chủ tịch tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, Dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh: An Giang rất vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chúng ta cũng hết sức tự hào là con cháu Bác Tôn. Hôm nay, nhân lễ tưởng niệm 41 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là dịp chúng ta cùng tề tựu về đây để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cùng thành kính tưởng nhớ công lao và tri ân những thành quả mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dầy công vun đắp.
Tại lễ tưởng niệm, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình kêu gọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tinh đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách; phát huy truyền thống tốt đẹp của tỉnh nhà; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phẩm chất cao quý của Bác Tôn, cùng chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp văn minh…/.
Quang Minh