(Cổng TTĐT AG)- Trở về Việt Nam sau sự kiện phản chiến trên Biển Đen năm 1919, Bác Tôn Đức Thắng đã tổ chức công Hội bí mật ngay tại Sài Gòn và trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Bác và công hội bí mật, phong trào công nhân đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác trên quy mô lớn; làm rung chuyển giới cầm quyền, chủ xưởng Pháp tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã liệt Bác vào diện “nguy hiểm”. Chúng tuyên Người bản án 20 năm khổ sai tại Địa ngục trần gian – Côn Đảo vào ngày 02/7/1930.
Người tù mang số hiệu 5289-20TF (Tôn Đức Thắng) bị bọn chúng đày ải khắp mọi nơi trên Côn Đảo, từ trại Phú Sơn, Xà lim số 15 đến Hầm xay lúa, sở Tải, sở Lưới… Tuy nhiên, khổ sai, lao dịch và thủ đoạn của bọn cai ngục không khuất phục được ý chí chiến đấu của Bác Tôn. Trong hoàn cảnh đó, Bác đã vận động, xây dựng Đảng bộ đặc biệt trong tù. Biến Côn Đảo thành trường học Cách mạng, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên cách mạng.
Theo lời kể của Đồng Chí Nguyễn Linh, trong những ngày tháng ở nhà tù Côn Đảo, “Bác luôn thể hiện tình thương đối với những người bạn tù và luôn giáo dục họ để họ hiểu được cách mạng, hiểu con đường cách mạng. Thời kỳ đó tôi chưa vào Đảng, mới giác ngộ cách mạng, mà người đầu tiên tôi được gần gũi và giáo dục tôi nhiều nhất là Bác Tôn” (1)
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, hơn 2.000 người tù nhân côn đảo được giải thoát, trong đó cò nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng như Lê Duẫn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng… Ngày 23/9/1945, Bác Tôn được Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Nam Bộ ra đón về chăm sóc tại trường Tabert (Sóc Trăng) sau 17 năm bị lưu đày.
Mùa xuân năm 1946, khi biết chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Bác Tôn đã khôn xiết vui mừng. Từ đó, hai Bác thực sự gắn bó với nhau trên bước đường đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Năm 1957, Ban thường trực Quốc hội họp phiên đầu tiên, bầu Tôn Đức Thắng làm trưởng ban. Vào tháng 8 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Huân chương Sao Vàng- Huân chương cao quí nhất của Nhà nước Việt Nam cho Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng vì đã có những cống hiến xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và trong sự nghiệp xây dựng XHCN. Đến tháng 7/1960, Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Khi Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, Bác Tôn đã kế tục nhiệm vụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa trong 11 năm trời. Theo lời di chúc của Hồ Chủ tịch, Bác Tôn tiếp tục cuộc trường chinh – kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình ảnh của tinh thần bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. (2). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. (3).
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người” (4).
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng nói “Bác Tôn đã sống trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Cống hiến vô giá của Bác là nêu lên cho thế hệ những người cách mạng của nước ta, cho chúng tôi và lớp trẻ nước ta tấm gương chiến đấu hy sinh và đạo đức trong sáng của một người cộng sản vì Tổ quốc, vì nhân dân”. (5)
130 năm đã đi qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn mãi là tấm gương sáng ngời cho lý tưởng cách mạng Việt Nam, luôn vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc trọng trách của Đảng và dân tộc giao phó. Với nhân dân tỉnh An Giang, Bác Tôn còn là niềm tự hào, là ngọn lửa soi đường cho mỗi cán bộ đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc./.
Hữu Trực
Chú thích
1, 2, 3, 4, 5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 -20/8/2018), Công ty Cổ phần In An Giang, 2018. Trang 136, 4, 35, 31, 35.