(Cổng TTĐT AG)- Cách đây 130 năm, vào ngày 20/8/1888, Tôn Đức Thắng được sinh ra trong căn nhà sàn trên đất cù lao Ông Hổ bốn bề sông nước. Tuổi thơ của Tôn Đức Thắng gắn liền với bến đò Ô Môi qua lại chợ Long Xuyên, với con rạch Cái Sơn êm đềm trước nhà thầy nho Nguyễn Thượng Khách, với hàng me của trường tiểu học làng Bình Đức năm xưa.
Tôn Đức Thắng lớn lên, noi theo các tấm gương đấu tranh, hy sinh oanh liệt của biết bao sĩ phu yêu nước trong phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân… và ôm ấp nhiều hoài bảo, để đến năm 1907, Tôn Đức Thắng quyết định rời làng quê đến với Sài Gòn- một trung tâm khoa học kỹ thuật tiến bộ lúc bấy giờ và chọn cho mình con đường làm thợ máy. Đó là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Tôn Đức Thắng, là một sự lựa chọn lý tưởng đúng đắn đưa người thanh niên nông dân An Giang đến với giai cấp công nhân một cách tự nhiên, và từ chất công nhân, cộng với sự học tập rèn luyện suốt đời, một con người bình thường trở nên vĩ đại.
Được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước và nhân ái của gia đình, quê hương, dân tộc, Tôn Đức Thắng đã sớm bộc lộ chí hướng của một người cách mạng và sớm hòa mình vào giai cấp công nhân Việt Nam. Từ cuộc sống “đồng cam cộng khổ” với giai cấp công nhân nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột, Tôn Đức Thắng nung nấu tinh thần yêu nước, căm thù đế quốc. Hoạt động trong phong trào công nhân, Tôn Đức Thắng tỏ rõ năng lực tập hợp, tổ chức lực lượng, thông qua việc liên hệ chặt chẽ với học sinh Trường Bá nghệ và công nhân Xưởng Ba Son. Năm 1912, không chấp nhận cảnh áp bức của bọn chủ xưởng, Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son và bãi khóa của học sinh Trường Bá nghệ, gây chấn động lớn trong giới cầm quyền thực dân và tạo được ảnh hưởng lớn đối với tầng lớp công nhân, lao động lúc bấy giờ.
Với tay nghề vững vàng, Tôn Đức Thắng bị bắt trở thành người lính thợ của hải quân Pháp ở quân cảng Tu-lông từ năm 1916. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1919, người lính thợ Việt Nam ở trên chiến hạm Frăn-xơ tiến vào Biển Đen, đã vươn lên ngang hàng với thủy binh Pháp khi kéo cao lá cờ đỏ, bày tỏ sự ủng hộ Cách mạng Tháng mười Nga và tình đoàn kết với những người anh em vô sản nước Nga Xô viết. Đó không chỉ là một hành động tham gia đấu tranh phản chiến đơn thuần, mà còn là biểu tượng cao đẹp của tính cách Việt Nam: dù đất nước bị đô hộ nhưng con người Việt Nam vẫn ngẩng đầu sánh vai cùng bạn bè thế giới cất cao bài ca cách mạng quốc tế.
Sau cuộc binh biến ở Biển Đen, bị trục xuất về nước, Tôn Đức Thắng sống làm việc trong giới công nhân và thành lập Công hội bí mật Sài Gòn-Chợ Lớn từ năm 1920. Cuối năm 1926, khi nhận được chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng tán thành và nhập Công hội bí mật vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đó, Bác Tôn Đức Thắng và tổ chức Công hội hoạt động dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Năm 1927, Bác Tôn tham gia Kỳ bộ Hội Thanh niên Cách mạng Nam Kỳ. Ngày 26 tháng 7 năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn và ngày 02 tháng 7 năm 1930 bị đày ra Côn Đảo với bản án 20 năm khổ sai. Trong suốt 15 năm bị đày ải ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Bác Tôn vẫn giữ vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cùng với các đồng chí trong tù thành lập Chi bộ đặc biệt và trở thành một trong những người lãnh đạo Chi bộ; cùng anh em tù nhân tiếp tục đấu tranh kiên cường, bất khuất trước mọi âm ưu thâm độc của bọn cai ngục. Bác Tôn là hạt nhân đoàn kết trong Chi bộ và Hội tù nhân, không chỉ những người cộng sản mà cả tù chính trị và tù thường phạm đều kính trọng Bác. Bác luôn là người đứng mũi chịu sào trong các cuộc đấu tranh chống khủng bố, đòi cải thiện chế độ lao tù, nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc người ốm đau, gánh vác phần việc nặng nhọc cho những người yếu đuối… Bác Tôn ở đâu thì không khí đoàn kết thương yêu bao trùm ở đó.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Tôn trở về đất liền, tham gia Xứ ủy Nam Bộ; đắc cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; là Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ. Tháng 3-1946, Bác Hồ và Chính phủ đón Bác Tôn ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn lần lượt đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước như: Phó ban và Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch danh dự Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Việt-Xô hữu nghị; Chủ tịch danh dự Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng Hòa bình thế giới. Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa VI; Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khoá I đến khóa IV…
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Bác Tôn trong bao nổi thăng trầm của đất nước, chúng ta thấy được Bác Tôn là một chứng nhân lịch sử theo suốt cuộc trường chinh vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, bắt đầu từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền trong những năm 1930 cho đến cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược 1945-1975 và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Bác Tôn dù ở cương vị nào cũng thể hiện nghiêm túc phẩm chất đạo đức của người cách mạng: Lúc nào cũng chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ; sống bình dị, đạm bạc, thanh cao; luôn giữ lòng thanh liêm, chính trực, trong sáng; không màng cao sang, tiền tài, danh lợi; hết lòng vì nước, vì dân, luôn sẵn sàng hy sinh cái riêng cho cái chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Ở Bác Tôn không chỉ toát lên phẩm chất cao đẹp của người cộng sản mà còn thể hiện tài tổ chức, tập hợp những người cùng chí hướng trong giới thợ thuyền, cảm hoá những kẻ giang hồ, tứ chiến nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo… để rồi Bác Tôn trở thành biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết đồng bào, đồng chí; đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế.
Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được Quốc hội và Bác Hồ tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”; Ủy ban Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin tặng Giải thưởng Lênin “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc”; Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng thưởng “Huân chương Lênin”.
Bác Tôn – người kế tục sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, khi Bác Hồ mất đi, trong lúc cuộc đấu tranh giải phóng của đất nước và dân tộc Việt Nam còn nhiều cam go, thử thách, gian khổ, hy sinh. Với lòng yêu nước và trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng, khi Đảng và đất nước cần, Bác Tôn dù tuổi đã cao, vẫn ra sức đảm nhận cương vị Chủ tịch nước, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn, non sông liền một dải.
Sau ngày thống nhất đất nước, với cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Bác Tôn đã chung tay góp sức cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đưa đất nước vượt qua thù trong, giặc ngoài, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; chăm lo hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vào một ngày cuối tháng 3, ngày 30 tháng 3 năm 1980, tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Bác Tôn Đức Thắng kính yêu của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng, để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam bao niềm thương tiếc, vì mất đi một chiến sĩ cách mạng kiên cường mẫu mực, một người lãnh đạo kính mến, “một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Bác Tôn mất đi, nhưng những đức tính cao quý của Người luôn khiến cho chúng ta phải suy gẫm, học tập, “là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người…”.
Bác Tôn – Người con ưu tú của quê hương An Giang vẫn luôn sống mãi trong tình cảm của mọi người dân Việt Nam dành cho Bác. Tiếng gọi “Bác Hồ”, “Bác Tôn” gần gũi, thân thương đã trở thành biểu tượng vô cùng cao đẹp của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đời đời bền vững./.
Hòa Bình